Kiến thức Quản lý nhân sự Thẩm quyền và trình tự, cách thức giải quyết tranh chấp lao...

Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường phát triển, các thành phần tham gia vào nền kinh tế ngày càng bình đẳng, có tiếng nói riêng và được pháp luật đảm bảo về quyền và các lợi ích hợp pháp. Vì lý do đó, tranh chấp lao động ngày càng xảy ra nhiều và thường xuyên hơn trong thực tế. Với các tranh chấp lao động tập thể, nó có thể là tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động (NLĐ) với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động. Qua bài viết MISA AMIS HRM gửi tới các bạn, đặc biệt là những người làm công tác nhân sự, người sử dụng lao động (NSDLĐ) và NLĐ các quy định của pháp luật về thẩm quyền và trình tự, cách thức giải quyết tranh chấp lao động tập thể.

Thẩm quyền và trình tự, cách thức giải quyết tranh chấp lao động tập thể
Thẩm quyền và trình tự, cách thức giải quyết tranh chấp lao động tập thể

1. Giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền

Theo quy định tại Điều 191 về thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể cũng giống như cơ quan giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là:

– Hòa giải viên lao động; 

– Hợp đồng trọng tài lao động;

– Tòa án nhân dân.

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể

Như vậy, tranh chấp lao động tập thể về quyền cũng được giải quyết bằng thủ tục hòa giải của hòa giải viên trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài hoặc Tòa án giải quyết.

So sánh sự khác biệt giữa giải quyết tranh chấp lao động tập thể và giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

Tiêu chí Giải quyết tranh chấp 

lao động cá nhân

Giải quyết tranh chấp 

lao động tập thể

Định nghĩa Là tranh chấp LĐ xảy ra giữa một cá nhân NLĐ với NSDLĐ (trong một số trường hợp là một nhóm NLĐ với NSDLĐ) Là tranh chấp LĐ xảy ra giữa tập thể LĐ với NSDLĐ.
Mục tiêu  Bảo đảm quyền lợi cho cá nhân NLĐ  Bảo đảm quyền lợi cho quyền lợi gắn liền với tập thể NLĐ
Nội dung  – Quyền và nghĩa vụ, lợi ích của cá nhân NLĐ hoặc một nhóm NLĐ

– Các tranh chấp thường liên quan đến Hợp đồng LĐ, kỷ luật LĐ, nghỉ việc.

– Quyền và nghĩa vụ, lợi ích gắn liền với tập thể NLĐ.

– Các tranh chấp thường liên quan đến Thỏa ước LĐ tập thể.

Tính chất  Đơn lẻ, không có sự liên kết hoặc liên kết rời rạc Liên kết cao
Mức độ Thường xuyên hơn do có nhiều vấn đề phát sinh như trách nhiệm của các bên, nghĩa vụ của các bên, quan hệ về thực hiện bảo hiểm xã hội, giải quyết các chế độ đãi ngộ với NLĐ Ít hơn do do tính chất vụ việc tranh chấp thường phải nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tới quyền lợi của nhiều NLĐ.
Thời hiệu giải quyết – Hoà giả: 06 tháng

– Toà án giải: 01 năm

01 năm

Về trình tự, thủ tục, sự khác biệt được thể hiện qua sơ đồ sau:

Trình tự giải quyết tranh chấp lao động cá nhân
Trình tự giải quyết tranh chấp lao động cá nhân
Trình tự giải quyết tranh chấp lao động tập thể
Trình tự giải quyết tranh chấp lao động tập thể

Về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền:

Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động tập thể về quyền được thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 188 của Bộ luật lao động năm 2019. 

Hòa giải: Với các tranh chấp quy định tại điểm b và c khoản 2 Điều 179 của Bộ luật Lao động năm 2019 mà xác định có hành vi vi phạm pháp luật thì hòa giải viên lao động lập biên bản và chuyển hồ sơ, tài liệu đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải theo quy định tại khoản 2 Điều 188, Bộ luật Lao động năm 2019 mà hòa giải viên không tiến hành hòa giải thì các bên tranh chấp có quyền lựa chọn một trong các phương thức sau:

  • Yêu cầu Hội đồng trọng tài giải quyết theo quy định tại Điều 193 của Bộ luật Lao động năm 2019;
  • Yêu cầu Tòa án giải quyết.

Thời hạn yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động tập thể về quyền là 06 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền hợp pháp của mình bị vi phạm.

Giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền của Hội đồng trọng tài lao động:

Theo Điều 193 Bộ luật Lao động năm 2019, trên cơ sở đồng thuận, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết trong trường hợp hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải theo quy định tại khoản 2 Điều 188 Bộ luật Lao động năm 2019 mà hòa giải viên không tiến hành hòa giải hoặc một trong các bên không thực hiện thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp theo quy định tại khoản 1 Điều 193, Ban trọng tài lao động phải được thành lập để giải quyết tranh chấp.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Ban trọng tài lao động được thành lập, căn cứ vào quy định của pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động đã được đăng ký và các quy chế, thỏa thuận hợp pháp khác, Ban trọng tài phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp. 

Đối với tranh chấp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 179 của Bộ luật Lao động năm 2019 mà xác định có hành vi vi phạm pháp luật thì Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết mà lập biên bản và chuyển hồ sơ, tài liệu đến cơ quan có thẩm quyền (Tòa án) xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp thông qua Hội đồng trọng tài lao động theo quy định tại Điều 193 thì trong thời gian Hội đồng trọng tài lao động đang tiến hành giải quyết tranh chấp, các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết.

Khi hết thời hạn (7 ngày) theo quy định tại khoản 2 Điều 193 của Bộ luật Lao động năm 2019 mà Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc hết thời hạn quy định tại khoản 3 (30 ngày) Điều 193 mà Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

Trường hợp một trong các bên không thi hành quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

Thời hạn yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền là 09 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền hợp pháp của mình bị vi phạm.

Thời hạn yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền hợp pháp của mình bị vi phạm.

2. Giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích

Theo Điều 195 Bộ luật Lao động năm 2019, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích bao gồm:

a) Hòa giải viên lao động;

b) Hội đồng trọng tài lao động.

Theo quy định của pháp luật lao động, tranh chấp lao động tập thể về lợi ích phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết hoặc tiến hành thủ tục đình công.

– Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động tập thể về lợi ích được thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 188 Bộ luật Lao động năm 2019.

Nếu hòa giải thành, biên bản hòa giải thành phải bao gồm đầy đủ nội dung các bên đã đạt được thỏa thuận, có chữ ký của các bên tranh chấp và hòa giải viên lao động. Biên bản hòa giải thành có giá trị pháp lý như thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp.

Nếu hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải theo quy định tại khoản 2 Điều 188 Bộ luật Lao động năm 2019 mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc một trong các bên không thực hiện thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành thì các bên tranh chấp có quyền lựa chọn một trong các phương thức sau để giải quyết tranh chấp:

  • Yêu cầu Hội đồng trọng tài giải quyết (Điều 197 Bộ luật Lao động năm 2019);
  • Tổ chức đại diện NLĐ có quyền tiến hành thủ tục để đình công.

Giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của Hội đồng trọng tài lao động:

Theo quy định tại Điều 197 Bộ luật Lao động năm 2019: Trên cơ sở đồng thuận, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp trong trường hợp hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 của Bộ luật Lao động năm 2019 mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc một trong các bên không thực hiện thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành.

Ban trọng tài lao động phải được thành lập trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp theo quy định tại khoản 1 Điều 197 Bộ luật Lao động để giải quyết tranh chấp.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được thành lập, căn cứ vào quy định của pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động đã được đăng ký và các quy chế, thỏa thuận hợp pháp khác, Ban trọng tài lao động phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp.

Khi các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp thông qua Hội đồng trọng tài lao động theo quy định tại Điều 197 Bộ luật Lao động năm 2019 thì tổ chức đại diện NLĐ không được tiến hành đình công trong thời gian Hội đồng trọng tài lao động đang tiến hành giải quyết tranh chấp.

Khi hết thời hạn (7 ngày) quy định tại khoản 2 Điều 197 mà Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc hết thời hạn quy định tại khoản 3 (30 ngày) mà Ban trọng tài không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc NSDLĐ là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì tổ chức đại diện NLĐ là bên tranh chấp có quyền tiến hành thủ tục quy định tại các điều 200, 201 và 202 của Bộ luật Lao động năm 2019 để đình công.

Căn cứ Điều 199 Bộ luật Lao động năm 2019: Tổ chức đại diện NLĐ là bên tranh chấp lao động tập thể về lợi ích có quyền tiến hành thủ tục quy định tại các điều 200, 201 và 202 Bộ Luật lao động năm 2019 để đình công trong trường hợp sau:

– Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 của Bộ Luật lao động năm 2019 mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải;

Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc NSDLĐ là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động.

Bên cạnh đó, Bộ Luật lao động năm 2019 cũng quy định các trường hợp đình công bị coi là bất hợp pháp (Điều 204) gồm:

  • Không thuộc trường hợp được đình công theo quy định tại Điều 199 Bộ Luật lao động 2019.    
  • Không do tổ chức đại diện NLĐ có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công;
  • Vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục tiến hành đình công (quy định mới)
  • Khi tranh chấp lao động tập thể đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định
  • Tiến hành đình công trong trường hợp không được đình công theo quy định;
  • Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công của cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Có thể thấy, để giải quyết các tranh chấp lao động tập thể hay giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, thẩm quyền giải quyết đều do: Hòa giải viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động và Tòa án nhân dân giải quyết. 

Trong đó tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan chức năng sẽ xem xét giải quyết dựa trên các tài liệu liên quan. Để tránh những vướng mắc, phát sinh không đáng có dẫn đến tranh chấp phải nhờ đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tốn thời gian, tiền bạc, các bên tham gia quan hệ lao động cần bảo đảm việc thực hiện hợp đồng lao động tuân thủ các quy định pháp luật. 

Trong trường hợp phát sinh mâu thuẫn và xảy ra tranh chấp, ngoài việc bảo đảm việc chấp hành đúng thủ tục quy định thì doanh nghiệp có thể liên hệ sự trợ giúp từ cơ quan chuyên môn như: Tư pháp, Phòng/Sở LĐ-TB&XH để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, tránh để xảy ra đình công bất hợp pháp.

Trên đây MISA đã giới thiệu tới các bạn về thẩm quyền và trình tư, các thức giải quyết tranh chấp lao động tập thể. MISA rất vui nếu chùm bài về tìm hiểu Bộ luật Lao động đã giúp các bạn có thêm những kiến thức pháp luật bổ ích trong lĩnh vực lao động. 

Chúc các bạn thành công.

Tác giả. Phạm Thị Tính

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]