Call Margin là gì? Nhà đầu tư cần làm gì khi bị Call Margin

20/05/2025
22

Trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán, việc sử dụng đòn bẩy tài chính qua các khoản vay ký quỹ (Margin) không còn xa lạ. Tuy nhiên, cùng với cơ hội sinh lời cao là nguy cơ đối mặt với rủi ro, trong đó Call Margin là một trong những thuật ngữ khiến nhiều nhà đầu tư phải dè chừng. Hiểu rõ call margin là gì, khi nào nó xảy ra và cách phòng tránh sẽ giúp nhà đầu tư bảo vệ tài sản và đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt. Hãy cùng MISA AMIS tìm hiểu mọi thông tin cần thiết về call margin, từ định nghĩa, cách tính, đến những lưu ý quan trọng để tránh rủi ro.

1. Call Margin là gì?

Call Margin, hay còn gọi là “lệnh gọi ký quỹ”, là thông báo từ công ty chứng khoán yêu cầu nhà đầu tư nộp thêm tiền hoặc tài sản đảm bảo hoặc tăng số lượng chứng khoán thế chấp. Điều này thường xảy ra khi nhà đầu tư sử dụng Margin – hành động nhà đầu tư vay thêm tiền của công ty chứng khoán để tăng sức mua chứng khoán, sau đó sử dụng chính các chứng khoán đã mua làm tài sản thế chấp.

Cụ thể, khi sử dụng Margin, nhà đầu tư đang vay một phần vốn từ công ty chứng khoán để đầu tư. Đổi lại, nhà đầu tư phải duy trì một tỷ lệ ký quỹ (Margin Ratio) nhất định, thường được tính bằng giá trị tài sản trong tài khoản chia cho khoản vay. Thông thường, khi thị trường giảm giá, tỷ lệ tài sản ròng/giá trị chứng khoán thấp hơn tỷ lệ ký quỹ duy trì cho phép, công ty chứng khoán sẽ phát đi thông báo Call Margin để đảm bảo an toàn tài chính.

Call Margin là gì?

Ví dụ: Nhà đầu tư có sẵn 1 tỷ triệu đồng tiền mặt, nhà đầu tư sau đó đã vay thêm của công ty chứng khoán 500 triệu để mua cổ phiếu. Hoạt động vay thêm này được hiểu là Margin.

Khi tỷ lệ ký quỹ trong tài khoản của nhà đầu tư thấp hơn mức tỷ lệ ký quỹ duy trì theo quy định của công ty chứng khoán thì công ty sẽ thông báo cho nhà đầu tư nạp tiền hoặc tăng số lượng chứng khoán thế chấp để giữ tỷ lệ vay Margin ở mức an toàn. Việc thông báo tỷ lệ ký quỹ này của công ty chứng khoán chính là lệnh gọi kí quỹ, hay Call Margin.

Hiểu đơn giản, Call margin giống như một “tín hiệu cảnh báo” rằng tài khoản của nhà đầu tư đang gặp rủi ro, và họ cần hành động ngay để tránh hậu quả nghiêm trọng hơn. Call Margin ảnh hưởng lớn đến tâm lý và có tác động trực tiếp đến chiến lược đầu tư của nhà đầu tư. Đây là tín hiệu cho thấy danh mục đầu tư đang gặp rủi ro lớn và cần được xử lý kịp thời.

Xem thêm: Ký quỹ là gì? Quyền và nghĩa vụ của các bên trong ký quỹ

2. Khi nào nhà đầu tư bị Call Margin

Như đã nhắc đến ở mục định nghĩa, nhà đầu tư bị Call Margin khi thị trường giảm giá, tỷ lệ tài sản ròng/giá trị chứng khoán thấp hơn tỷ lệ ký quỹ duy trì cho phép. Một số trường hợp phổ biến mà công ty chứng khoán sẽ thực hiện Call Margin có thể nhắc đến như:

  • Giá cổ phiếu giảm mạnh: Khi giá cổ phiếu trong danh mục đầu tư giảm đáng kể, giá trị tài sản đảm bảo giảm, làm tỷ lệ ký quỹ rơi xuống dưới ngưỡng an toàn.
  • Biến động thị trường: Thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh, ảnh hưởng đến toàn bộ danh mục đầu tư.
  • Thay đổi quy định của công ty chứng khoán: Một số công ty có thể điều chỉnh tỷ lệ ký quỹ tối thiểu hoặc yêu cầu bổ sung tài sản đảm bảo trong các giai đoạn thị trường biến động.
  • Hết hạn thời gian ký quỹ: Một số khoản vay Margin có thời hạn cụ thể. Nếu nhà đầu tư không hoàn trả hoặc gia hạn, công ty chứng khoán có thể phát thông báo Call Margin.

3. Hậu quả khi bị Call Margin là gì?

Bị call margin không đơn thuần là một thông báo từ công ty chứng khoán, mà còn có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng nếu nhà đầu tư không xử lý kịp thời và gây ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Với nhà đầu tư, các hệ quả có thể bao gồm:

  • Bán tháo cổ phiếu (force selling): Nếu nhà đầu tư không nộp thêm tiền hoặc tài sản đảm bảo trong thời gian quy định, công ty chứng khoán sẽ tự động bán cổ phiếu trong tài khoản để thu hồi khoản vay. Việc bán tháo thường diễn ra ở mức giá thấp, gây thiệt hại lớn.
  • Lỗ vốn nghiêm trọng: Khi cổ phiếu bị bán ở giá thấp, nhà đầu tư không chỉ mất cơ hội chờ giá phục hồi mà còn chịu lỗ vốn đáng kể.
  • Ảnh hưởng tâm lý: Call margin có thể gây áp lực tâm lý lớn, khiến nhà đầu tư hoảng loạn, đưa ra quyết định vội vàng hoặc mất niềm tin vào thị trường.
  • Tăng chi phí giao dịch: Việc nộp thêm tiền hoặc bán tháo cổ phiếu thường đi kèm với phí giao dịch, làm tăng chi phí đầu tư.

Đối với thị trường, khi công ty chứng khoán thực hiện các lệnh Call Marign, thị trường sẽ chịu nhiều ảnh hưởng:

  • Tăng tình trạng bán tháo: Các hoạt động bán giải chấp và Call Margin chéo sẽ làm tăng hiện tượng báo tháo trên thị trường, rất khó kiểm soát.
  • Thị trường biến động giảm mạnh: Ở giai đoạn thị trường downtrend, việc nhà đầu tư bị Call Margin, bán chéo cổ phiếu sẽ khiến tình trạng “đỏ lửa” của bảng điện trầm trọng hơn. Lúc này thị trường có thể giảm điểm mạnh trong nhiều phiên.
Call Margin ảnh hưởng cả nhà đầu tư lẫn thị trường

4. Cách tính ngưỡng Call Margin

Ngưỡng Call margin được xác định dựa trên tỷ lệ ký quỹ yêu cầu của công ty chứng khoán. Công thức tính ngưỡng Call Margin như sau:

Call Margin  Giá trị tài sản thực tế tại thời điểm hiện tại * Tỷ lệ ký quỹ duy trì bắt buộc

Ví dụ:

  • Tài sản tự có: 800 triệu đồng.
  • Tỷ lệ ký quỹ ban đầu: 50%
  • Tỷ lệ ký quỹ duy trì bắt buộc: 40%

Cách tính:

Sức mua tối đa (Full Margin) = 800
50%
= 400
Khoản vay Margin = 800 400
= 400

⇒ Thời điểm công ty chứng khoán thực hiện Call Margin: Khi tổng giá trị tài sản thực tế (bao gồm chứng khoán, tiền gửi,…) giảm xuống còn 400 triệu đồng hoặc thấp hơn.

Hai công thức tính giá trị chứng khoán ký quỹ bổ sung mà nhà đầu tư nên quan tâm là là:

Giá trị chứng khoán ký quỹ bổ sung  (Tỷ lệ ký quỹ – Tỷ lệ ký quỹ duy trì) 
(1 – Tỷ lệ ký quỹ duy trì) x Tổng giá trị tài sản trên tài khoản giao dịch ký quỹ tính theo giá thị trường.
Số tiền ký quỹ bổ sung  (Tỷ lệ ký quỹ – Tỷ lệ ký quỹ duy trì) x Tổng giá trị tài sản trên tài khoản giao dịch ký quỹ tính theo giá thị trường.

5. Những điều nhà đầu tư cần lưu ý để tránh bị Call Margin

Để tránh bị Call Margin và bảo vệ tài sản trong bối cảnh thị trường biến động, nhà đầu tư cần áp dụng các chiến lược quản lý tài chính và đầu tư một cách cẩn trọng, có tính toán. Nhà đầu tư có thể tham khảo một số lưu ý sau

  • Quản lý tỷ lệ vay margin hợp lý: Sử dụng margin ở mức vừa phải, tránh vay tối đa hạn mức mà công ty chứng khoán cho phép. Ví dụ, nếu có 100 triệu đồng vốn tự có và được phép vay thêm 100 triệu, hãy chỉ vay 20-30 triệu để tạo “khoảng đệm” an toàn. Điều này giúp tài khoản của nhà đầu tư chịu được mức giảm giá cổ phiếu lớn hơn mà không rơi vào ngưỡng Call Margin. Một nguyên tắc phổ biến là giữ tỷ lệ nợ (debt-to-equity ratio) thấp để đảm bảo tính linh hoạt.
  • Đa dạng hóa danh mục đầu tư một cách chiến lược: Nguyên tắc đầu tư kinh điển mà nhà đầu tư nào cũng nên nắm – không bỏ trứng vào một giỏ. Đa dạng hoá danh mcụ đầu tư giúp giảm thiểu rủi ro khi một ngành gặp bất lợi. Ví dụ, nếu cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh do lãi suất tăng, các cổ phiếu tiêu dùng có thể vẫn ổn định, giữ giá trị danh mục không giảm quá sâu. Hãy ưu tiên các cổ phiếu có thanh khoản cao và cơ bản tốt để đảm bảo khả năng bán ra nhanh khi cần.
  • Theo dõi sát sao diễn biến thị trường và cổ phiếu: Cập nhật thường xuyên các yếu tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, bao gồm báo cáo tài chính, tin tức doanh nghiệp, chính sách kinh tế vĩ mô và tâm lý thị trường. Sử dụng các công cụ phân tích kỹ thuật như đường trung bình động (MA) hoặc chỉ số RSI để xác định xu hướng giá. Ví dụ, nếu cổ phiếu nắm giữ liên tục phá vỡ các mức hỗ trợ quan trọng, hãy cân nhắc bán bớt để giảm rủi ro trước khi tài khoản chạm ngưỡng Call Margin.
  • Thiết lập kế hoạch cắt lỗ rõ ràng: Xác định mức giá hoặc tỷ lệ lỗ tối đa mà bạn có thể chấp nhận trước khi mua cổ phiếu. Ví dụ, nhà đầu tư có thể đặt lệnh dừng lỗ (stop-loss) tự động bán cổ phiếu khi giá giảm so với giá mua ở một mức độ nhất định (mức mà nhà đầu tư không chấp nhận rủi ro nữa). Điều này giúp nhà đầu tư chủ động kiểm soát rủi ro, tránh để tài khoản rơi vào tình trạng Call Margin do giá giảm quá sâu. Hãy đảm bảo mức cắt lỗ phù hợp với chiến lược đầu tư và khả năng tài chính của mình.
  • Duy trì quỹ dự phòng tài chính: Luôn giữ một khoản tiền mặt hoặc tài sản thanh khoản cao ngoài tài khoản margin để sẵn sàng nộp thêm khi nhận thông báo Call Margin. Ví dụ, nếu sử dụng 70% vốn tự có để đầu tư, hãy giữ 30% còn lại dưới dạng tiền mặt hoặc gửi tiết kiệm ngắn hạn. Điều này giúp nhà đầu tư phản ứng nhanh mà không cần bán cổ phiếu ở mức giá bất lợi, đồng thời giảm áp lực tâm lý khi thị trường biến động.
  • Hiểu rõ và tuân thủ quy định của công ty chứng khoán: Mỗi công ty chứng khoán có chính sách margin khác nhau, từ tỷ lệ ký quỹ tối thiểu, thời hạn nộp tiền, đến cách xử lý khi bị Call Margin. Hãy đọc kỹ hợp đồng Margin, đặc biệt là các điều khoản về phí lãi vay, ngưỡng Call Margin và ngưỡng bán tháo (Force Selling). Một số công ty cung cấp công cụ trực tuyến để theo dõi tỷ lệ ký quỹ theo thời gian thực – hãy tận dụng để kiểm soát tài khoản.
  • Rèn luyện kỷ luật tâm lý: Call Margin thường gây áp lực lớn, đặc biệt khi thị trường giảm mạnh. Hãy tránh tâm lý “giữ bằng mọi giá” hoặc hy vọng giá cổ phiếu sẽ sớm phục hồi. Thay vào đó, hãy dựa vào dữ liệu và kế hoạch đầu tư đã đề ra. Ví dụ, nếu nhận thông báo Call Margin và không có khả năng nộp thêm tiền, hãy ưu tiên bán các cổ phiếu có rủi ro cao hoặc thanh khoản thấp trước thay vì giữ tất cả với hy vọng không thực tế.
  • Đánh giá lại chiến lược đầu tư định kỳ: Thị trường chứng khoán luôn thay đổi nên nhà đầu tư cũng cần điều chỉnh chiến lược sử dụng Margin liên tục. Hãy định kỳ (hàng tháng hoặc hàng quý) đánh giá hiệu quả danh mục, kiểm tra tỷ lệ ký quỹ và điều chỉnh mức vay nếu cần. Ví dụ, nếu thị trường có dấu hiệu bất ổn (như chỉ số VN-Index giảm liên tục), hãy giảm tỷ lệ Margin hoặc chuyển sang các tài sản an toàn hơn.

6. Giải đáp một số câu hỏi thường gặp

– Cổ phiếu giảm bao nhiêu thì bị Call Margin?

Mức giảm cổ phiếu dẫn đến Call Margin phụ thuộc vào tỷ lệ ký quỹ ban đầu và ngưỡng ký quỹ tối thiểu của công ty chứng khoán. Ví dụ, nếu nhà đầu tư vay margin với tỷ lệ 1:1 (50% vốn tự có, 50% vốn vay) và ngưỡng Call Margin là 50%, cổ phiếu giảm khoảng 25-30% giá trị thì tài khoản chạm ngưỡng Call Margin.

– Khi nào nên và không nên sử dụng Margin

Nên sử dụng margin khi:

  • Thị trường đang trong xu hướng tăng trưởng ổn định.
  • Nhà đầu tư có kinh nghiệm đầu tư và khả năng phân tích thị trường tốt.
  • Nhà đầu tư đầu tư vào các cổ phiếu có thanh khoản cao, ít biến động mạnh.
  • Nhà đầu tư có nguồn tiền dự phòng để xử lý khi thị trường giảm.

Không nên sử dụng margin khi:

  • Thị trường biến động mạnh hoặc có dấu hiệu giảm điểm.
  • Nhà đầu tư đầu tư vào các cổ phiếu có rủi ro cao, thanh khoản thấp.
  • Nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm quản lý rủi ro hoặc không hiểu rõ quy định Margin.
  • Nhà đầu tư không có kế hoạch tài chính rõ ràng hoặc không đủ khả năng chịu lỗ.

– Call margin chéo là gì?

Call Margin chéo được hiểu là tình trạng Call Margin xảy ra trên toàn bộ danh mục đầu tư, không chỉ giới hạn ở một cổ phiếu cụ thể. Khi giá trị tổng tài sản trong tài khoản giảm xuống dưới ngưỡng ký quỹ tối thiểu, để đảm bảo tỷ lệ Margin của nhà đầu tư ở mức an toàn, công ty chứng khoán sẽ phải bán các cổ phiếu khác trong danh mục đầu tư của họ.

Ví dụ, nếu nhà đầu tư đầu tư vào cổ phiếu A và B, nhưng chỉ cổ phiếu A giảm mạnh, tổng giá trị danh mục vẫn có thể khiến nhà đầu tư bị Call Margin chéo. Trong trường hợp này, công ty chứng khoán có thể bán cả cổ phiếu B để đảm bảo tỷ lệ ký quỹ.

Kết luận

Call Margin là một phần không thể tránh khỏi khi sử dụng đòn bẩy tài chính trong đầu tư chứng khoán. Hiểu rõ Call Margin là gì, cách tính ngưỡng và các biện pháp phòng tránh sẽ giúp nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro và bảo vệ tài sản. Quan trọng nhất, hãy sử dụng Margin một cách thông minh, kết hợp với chiến lược đầu tư hợp lý và quản lý tài chính chặt chẽ. Nếu nhà đầu tư đang cân nhắc sử dụng Margin, hãy bắt đầu với mức vay nhỏ, theo dõi thị trường chặt chẽ và luôn có kế hoạch dự phòng. Đầu tư chứng khoán không chỉ là cơ hội kiếm lợi nhuận mà còn là hành trình đòi hỏi sự kiên nhẫn và kỷ luật.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán